19/07/2018
Giá giấy bao bì liên tục bị đẩy lên cao
Một số doanh nghiệp bao bì cho biết, từ đầu năm đến nay giá giấy liên tục tăng do thương lái Trung Quốc sang mua vét, đẩy giá lên cao, từ 11,5 – 13 - 17 triệu đồng/tấn. Nếu phải mua giấy với mức giá bằng với giá mà các thương lái Trung Quốc đang mua, các doanh nghiệp trong nước sẽ không còn lợi nhuận, thậm chí lỗ. Theo tính toán, nếu giá giấy tăng 10% doanh nghiệp bao bì sẽ lỗ khoảng 7% so với trước đó trong khi hiện tại giá giấy đã tăng từ 20 – 40% so với 3 tháng trước.
Ông Bùi Mạnh Tân – Giám đốc Cty An Thịnh (doanh nghiệp bao bì lớn nhất Hải Phòng) chia sẻ: “năm 2017, Việt Nam sản xuất khoảng 4 triệu tấn giấy đáp ứng khoảng 80% nhu cầu trong nước. Nhưng với mức sử dụng trung bình của người dân Trung Quốc là 100kg/người/năm thì nhu cầu giấy của Trung Quốc là hàng chục triệu tấn/năm. Ước tính trong năm nay, Trung Quốc sẽ thu mua khoảng 1 triệu tấn giấy nguyên liệu của Việt Nam. Ngành bao bì Việt Nam đương nhiên sẽ phải chia sẻ một lượng lớn giấy nguyên liệu cho Trung Quốc. Trong tình hình hiện nay, các nhà sản xuất giấy bao bì Việt Nam đang được hưởng lợi lớn vì sản xuất không kịp giao cho khách hàng, hàng ra bao nhiêu cũng được tiêu thụ với giá cao, thậm chí còn “tiền tươi thóc thật”. Các doanh nghiệp bao bì lại đang điêu đứng, có nguy cơ phá sản”.
Đồng quan điểm với các doanh nghiệp bao bì khác, ông Lê Hồng Văn – Giám đốc xí nghiệp bao bì Hùng Vương chia sẻ: “Thực tế ngành bao bì đang trong tình trạng giá đầu ra không bắt kịp được với giá đầu vào. Hiện xí nghiệp phải mua giấy cao hơn 40% so với đầu năm 2017, trong khi bao bì bán ra chỉ tăng khoảng 5 – 10%. Trước tình hình đó xí nghiệp phải giảm quy mô sản xuất, chỉ dám sản xuất cầm chừng để trả lương công nhân. Ước tính năm nay doanh thu của xí nghiệp phải lỗ từ 10 – 15% so với các năm trước”.
Cần có chính sách hỗ trợ
Ông Hàn Quang Vinh – Chủ tịch Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA) khẳng định: “giá giấy bao bì tăng cao gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bao bì trong nước”. Ông cho biết thêm, trước đó, ngày 28/9, Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Công thương báo cáo tình hình thị trường giấy hiện nay. Đồng thời, đề nghị các nhà sản xuất giấy bao bì trong nước có chính sách giảm giá bán 2 – 5% so với giá bán cho các khách hàng nước ngoài cho các đơn hàng mới của các khách hàng nội địa truyền thống trong thời gian nhất định.
Hiện tại, một số doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì có giảm giá bán cho các doanh nghiệp bao bì trong nước so với giá bán cho khách hàng nước ngoài. Nếu giá bán cho khách nước ngoài là 17 nghìn đồng/kg thì doanh nghiệp giấy chỉ bán cho doanh nghiệp bao bì trong nước là 14 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bao bì nhận định chính sách giảm giá cho doanh nghiệp trong nước có thể không kéo dài được lâu. Bởi, doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì có quyền chọn bán cho những khách hàng trả giá tốt hơn. Đây là quy luật.
Tuy giá giấy nguyên liệu tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp bao bì không có hàng để mua. Các Cty sản xuất giấy tại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… trước đây nhận đơn hàng không hạn chế thì nay cũng chỉ cung cấp một số lượng nhất định do nhu cầu trong nước của họ tăng cao và chính sách hạn chế xuất khẩu để bảo vệ môi trường. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu trong nước hiện không đáp ứng đủ nhu cầu. Giá nguyên liệu liên tục tăng cao (cả trong nước và nước ngoài) cùng với khan hiếm nguyên liệu đang tạo ra thế gọng kìm khiến doanh nghiệp bao bì mắc kẹt. Không sản xuất thì phá sản, sản xuất thì phải gồng mình chịu đựng.
Để giảm bớt áp lực tăng giá đầu vào cho ngành bao bì, ông Nguyễn Văn Hiện – Giám đốc Cty CP giấy Việt Trì khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất giấy nên tăng cường nhập khẩu phế liệu do giá giấy phế liệu trên thị trường thế giới đang ở mức 175 USD/tấn thấp hơn giá phế liệu trong nước, để giảm giá đầu vào cho ngành giấy thì đầu ra mới giảm.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể xin được giấy phép nhập khẩu, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ kho bãi để tích trữ phế liệu. Vấn đề các doanh nghiệp bao bì mong muốn ở đây là Chính phủ, các bộ, ngành phải vào cuộc một cách quyết liệt góp phần giảm bớt khó khăn cho ngành bao bì. Tránh việc “chảy máu” giấy cũng như tránh những bài học nhãn tiền như: thu mua móng trâu, đẩy giá dưa hấu hay các mặt hàng khác.
(Nguồn: Internews.vn)